Kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng xã Hoài Mỹ ( 25/3/1975 – 25/3/2025) Hoài Mỹ 50 năm xây dựng và trưởng thành
Vừa kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân ta lại bước vào trận chiến đấu mới, chống đế quốc Mỹ xâm lược. Trong cuộc kháng chiến trường chinh cứu nước vĩ đại của dân tộc, nhân dân Hoài Mỹ đã cùng nhân dân huyện Hoài Nhơn (nay là thị xã Hoài Nhơn) nói riêng và nhân dân cả nước đứng lên đấu tranh, giành độc lập.
Từ năm 1955 – 1959, bọn Mỹ Ngụy triển khai thực hiện chính sách “Tố cộng diệt cộng”. Tại Hoài Mỹ, đầu tháng 6/1955, bọn phản động tay sai ác ôn tại chỗ là chỗ dựa cho bọn mới đến tiếp quản điên cuồng mở màn giai đoạn I chiến dịch “ tố cộng”. Chúng thủ tiêu cụ Phan Giáp ở Mỹ Khánh và một số Đảng viên rồi bắt dân tập trung tại đình Khánh Trạch, khống chế, khủng bố nhân dân buộc mọi người phải chào cơ ba que, “tri ân Ngô tổng thống”, xé cờ Đảng, cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ, ly khai Đảng, ký cam kết từ bỏ chồng con, anh em đi tập kết, ký kiến nghị gửi Uỷ ban quốc tế giám sát thi hành Hiệp định Giơnevơ đòi can thiệp trả lại người thân… Chúng truy bức bắt một lúc 17 người ở Định Công tập trung tra khảo.Liên tiếp gây ra 3 vụ khủng bố điển hình ở Xuân Vinh, Khánh Trạch, Diêu Quang, dùng tre kẹp cổ giết chết 4 người ở Xuân Vinh, từ đó đánh phá tràn lan khắp thôn xóm… Những hành động dã man đã gây nhiều khó khăn, tổn thất cho cách mạng. Nhưng với truyền thống cách mạng kiên cường, quân và dân Hoài Mỹ vẫn trước sau như một, sắt son một lòng, một dạ theo Đảng, vượt qua khó khăn thử thách anh dũng đấu tranh chống quân thù, giữ vững niềm tin vào Đảng, Bác Hồ.
Những năm 1961-1965, Đảng bộ và nhân dân Hoài Mỹ đã nêu cao ý chí tự lực tự cường, dựa vào sức mình là chính, đã kiên trì giữ vững và phát huy thế chủ động tấn công địch bằng sức mạnh tổng hợp của 3 mũi giáp công tại chỗ. Quân và dân Hoài Mỹ đã nổ lực vươn lên lần lượt làm thất bại âm mưu thủ đoạn của địch từ rào núi, dồn dân các xóm ven núi, lập “hàng rào chiến lược” ngăn cách đến xây dựng “ấp chiến lược” rồi “ấp tân sinh” đương đầu trực diện với cả quân chủ lực ngụy do cố vấn Mỹ chỉ huy và phi pháo hiểm trợ, góp phần đánh bại quốc sách “ấp chiến lược” và “chiến tranh đặc biệt”.
Giữa năm 1966, Hoài Mỹ là trọng điểm đánh phá phản kích và bình định của Mỹ - Ngụy. Quân chủ lực ngụy tung 72 xe tăng và xe bọc thép chà đi xát lại từ Định Trị ở phía Tây đến Diêu Quang ở phía Đông, hầu như không chừa một thôn xóm nào, cho máy bay quét đèn pha từ Đầm Diêu Quang, Kim Giao đến dọc sông Lại giáp Hoài Hương, Hoài Xuân hòng truy diệt bộ đội và du kích, lợi dụng ban đêm phá vòng vây của dịch
Tháng 8/1966, một tiểu đoàn cộng hoà thường xuyên càn quét Hoài Mỹ và Hoài Hương. Chúng thường cụm tại đập Bàu Cu Khánh Trạch để lội suối, nắm được quy định hoạt động của địch du kích gài liền 5 quả đạn pháo 155 ly. Ngày 10/8/1966, địch qua đập Bàu Cu tập hợp kiểm quân đúng chỗ ta gài pháo, 4 tên tan xác, 13 tên bị thương, có 1 trung úy, phá hủy 5 máy thông tin, 3 khẩu đại liên, nhiều vũ khí và quân trang, quân dụng.
Tháng 10/1966 Đảng bộ Hoài Nhơn Đại hội lần thứ III trong kháng chiến chống Mỹ tại căn cứ Lộ Diêu, đề ra nhiệm vụ trước mắt: phát huy sức mạnh tổng hợp của 3 thứ quân, vận dụng sáng tạo 3 mũi giáp công tại chỗ, củng cố vững chắc thế trận chiến tranh nhân dân, ra sức xây dựng và bảo vệ vùng giải phóng.
Tháng 02/1967, địch tập trung sức phản kích đánh chiếm vùng giải phóng Hoài Mỹ. Trong hai cuộc phản công mùa khô 1965-1966 và 1966-1976, địch đã tàn sát hàng trăm dân thường, hàng ngàn người bị nhiễm chất độc hóa học và bị thương do bom đạn, đốt phá hầu hết nhà cửa. Đời sống của nhân dân, bộ đội du kích bị đe dọa nghiêm trọng nhưng vẫn kiên trì bám trụ chiến đấu dũng cảm ngoan cường và đã diệt hàng chục lính Mỹ - Ngụy, bắn cháy và hỏng nhiều xe tăng, xe bọc thép.
Trong đợt II chiến dịch Mậu Thân từ ngày 21 đến 28/2/1968 quân và dân Hoài Nhơn giành chính quyền làm chủ 10 vạn dân. Hoài Mỹ là 1 trong 6 xã làm chủ hoàn toàn.
Đến tháng 3/1968, lữ đoàn 173 cho máy bay lên thẳng trên 100 lần đổ từng tốp quân xuống Hoài Mỹ thực hiện chiến thuật “quét và giữ” yểm trợ kế hoạch “bình định”. Quân Mỹ đổ quân nhiều lượt xuống một số điểm cao như Định Trị, Định Công, Phú Xuân, Công Lương… Mỹ càn quét từ rìa núi xuống đồng bằng hỗ trợ cho quân ngụy lập chốt điểm trên các vị trí xung yếu như núi Gức, núi Bé, động Công Lương… Đối phó với thủ đoạn mới của địch, du kích xã thôn phối hợp với bộ đội và cơ sở đào hầm chông, đặt cạm bẫy, gài chất nổ trên các đường mòn lối tắt địch thường qua lại lùng sục. Tháng 5/1968 một đại đội cộng hòa càng xuống Mỹ Khánh bị du kích chận đánh, diệt 13 tên và nhiều tên bị thương. 11 giờ trưa cùng ngày du kích cơ động qua Khánh Trạch dùng đạn pháo cải tiến đánh hỏng xe bọc thép, loại 12 tên địch, địch phải chấm dứt cuộc càn.
Với bản chất phản động, hiếu chiến, tổng thống Mỹ Ních-xơn đã thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, một lần nữa chúng chọn Hoài Nhơn làm trọng điểm thực hiện chương trình “bình định nông thôn”. Mặc dù chúng dùng nhiều thủ đoạn đánh phá hết sức ác liệt, gây khó khăn cho phong trào cách mạng. Song cùng với quân dân huyện nhà, Đảng bộ và quân dân trong xã vẫn kiên cường bám trụ “Một tất không đi, một ly không rời”, thực hiện 4 bám “Đảng bám dân, trên bám dưới, dân bám đất, du kích bám đánh địch”, tiến hành củng cố và xây dựng thực lực về mọi mặt, đánh bại kế hoạch “bình định nông thôn của địch”. Trong chiến dịch Xuân Hè 1972, Quân dân Hoài Mỹ đã quét sạch toàn bộ hệ thống chốt điểm trên địa bàn, tiêu diệt và làm tan rã hàng trăm tên địch, góp phần giải phóng huyện Hoài Nhơn vào ngày 2/5/1972.
Cuối 1974 – đầu 1975, địch vẫn tiếp tục thực hiện cuộc phản kích, lấn chiếm, đánh phá ác liệt vùng núi Định Công, Xuân Vinh, Phú Xuân, Lộ Diêu. Bộ đội huyện và du kích liên tục quần bám đánh địch, đẩy lùi các âm mưu thủ đoạn của chúng, buộc địch phải lui về co cụm cố thủ ở Khánh Trạch. Từ ngày 7 – 10/3/1975, ta dồn dập tấn công địch, du kích phối hợp với lực lượng vũ trang huyện tiêu diệt quân địch tại Khánh Trạch. Địch tăng cường yểm trợ. Quân và dân ta dốc toàn lực 3 mũi giáp công dồn dập tấn công và nổi dậy với khí thế áp đảo địch.
Chỉ trong vòng 21 ngày ( từ ngày 7 đến ngày 28/3/1975) bằng 3 mũi giáp công: quân sự - chính trị - binh vận, với phương châm thôn giải phóng thôn, xã giải phóng xã, quân dân Hoài Mỹ cùng với Quân dân huyện Hoài Nhơn đồng loạt tiến công hàng chục chốt điểm của địch…
Sáng ngày 25/3/1975, toàn bộ lực lượng dân vệ, thanh niên chiến đấu và ngụy quyền ở Hoài Mỹ tan rã. Du kích bắn rơi 01 máy bay lên thẳng tại đồng Mỹ Khánh từ Đà Nẵng di tản bay vào, bắt sống toàn bộ 20 tên, thu toàn bộ vũ khí. Hoài Mỹ hoàn toàn giải phóng. 10 giờ ngày 28/3/1975, ta chiếm đánh quận lỵ Bồng Sơn. Hoài Nhơn được hoàn toàn giải phóng, góp phần giải phóng tỉnh Bình Định (31/3/1975) và giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975).
Trong kháng chiến lâu dài, gian khổ và oanh liệt đó, Nhân dân Hoài Mỹ đã có nhiều đóng góp và hy sinh to lớn. Toàn xã hiện có 741 liệt sĩ, gần 380 thương bệnh binh, 150 mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự nhà nước “ Mẹ Việt Nam anh hùng, xã được tuyên dương là xã anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Ngày 25/3/1975, đã trở thành mốc son lịch sử vẻ vang của Đảng bộ và Nhân dân xã Hoài Mỹ. Thắng lợi này có ý nghĩa lịch sử to lớn, toàn diện và triệt để, tạo ra thế và lực mới trên một địa bàn chiến lược quan trọng, góp phần vào thắng lợi chung của huyện Hoài Nhơn (nay là thị xã Hoài Nhơn), tỉnh Bình Định và của Quân dân cả nước tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới: độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chủ nghĩa xã hội.
Thành tích của quân và dân xã Hoài Mỹ đạt được trong hai cuộc kháng chiến là nhờ có đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn của Đảng ta, sự lãnh đạo chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, Huyện ủy; sự chiến đấu kiên cường, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo của các lực lượng vũ trang, sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu của nhân dân.
Sau ngày giải phóng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ xã Hoài Mỹ đã đề ra những chủ trương, biện pháp thích hợp với tình hình thực tiễn, tháo gỡ khó khăn; lãnh đạo Nhân dân vận dụng sáng tạo đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, đưa kinh tế của xã liên tục tăng trưởng và phát triển, năm sau cao hơn năm trước, cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch theo hướng CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Nhìn lại năm 2024, tổng giá trị sản xuất trên 700 tỷ đồng, đạt 100,65% so Nghị quyết. Diện tích sản xuất lúa cả năm: 1.458,8 ha, đạt 100,61% Nghị quyết; năng suất bình quân 74,6 tạ/ha, tăng 3,4 tạ/ha so Nghị quyết. Tổng sản lượng lương thực: 12.120,7 tấn, tăng 613 tấn, đạt 105,33% Nghị quyết. Sản lượng khai thác thuỷ sản 5.225 tấn, đạt 100,48% Nghị quyết. Lĩnh vực Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển khá. Tập trung chỉ đạo thực hiện công tác thu ngân sách. Tổng thu ngân sách 30,768 tỷ đồng, đạt 220,5% nghị quyết, trong đó thu 100% tại xã 441 triệu đồng, đạt 106,9% Nghị quyết. Thực hiện đạt 19/19 tiêu chí Nông thôn mới nâng cao; Công tác quản lý đất đai và môi trường được chú trọng. Lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục được quan tâm, bảo hiểm y tế đạt 99,19% đạt 102,8% chỉ tiêu thị xã giao; Tỷ lệ nghèo đa chiều giảm còn 1,98%. Gia đình đạt chuẩn văn hóa 95%, 11 thôn đạt thôn văn hóa. Quốc phòng an ninh được giữ vững. Xây dựng lực lượng dân quân và giao quân NVQS đạt 100% chỉ tiêu giao. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được quan tâm, triển khai đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân được thực hiện tốt; công tác tổ chức cán bộ và xây dựng Đảng được quan tâm; thực hiện tốt công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên mới, đạt 100% Nghị quyết; có 18/19 chi bộ Hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Mặt trận và các hội đoàn thể xã được ngành cấp trên đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.
Kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng quê hương Hoài Mỹ, Đảng bộ và Nhân dân xã Hoài Mỹ tự hào với truyền thống đấu tranh cách mạng, tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn, tập trung khai thác mọi tiềm năng, trí tuệ và huy động mọi nguồn lực để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đặc biệt là xây dựng nông thôn mới nâng cao, gắn phát triển kinh tế với giải quyết tốt hơn các vấn đề xã hội; củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị góp phần đưa quê hương, đất nước ngày một phát triển hơn.