DI TÍCH LỊCH SỬ TRẠM PHẪU HUYỆN ĐỘI HOÀI NHƠN
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

DI TÍCH LỊCH SỬ TRẠM PHẪU HUYỆN ĐỘI HOÀI NHƠN

Thời điểm chiến tranh ác liệt, một trong những phương án tác chiến lúc bấy giờ, Huyện Đội Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định đã đặt một trạm cứu chữa thương binh tại đồi Dông Dài trên sườn núi Chóp Chài, còn gọi là Trạm Phẫu.  Như một bệnh viện thu nhỏ,  Trạm Phẫu là nơi đảm nhận cứu chữa cán bộ, chiến sĩ thương binh các vùng phía Đông quốc lộ 1. Ẩn sâu trong rừng già, ven sườn núi, lợi dụng địa hình hiểm trở là các căn lều và những căn hầm, công sự mật, nơi ẩn náu của thương binh và nhân viên y tế. Nơi đây đã cứu sống hàng trăm cán bộ, chiến sĩ trong điều kiện hết sức khó khăn với y cụ thô sơ, thuốc men thiếu thốn, vừa là nơi đào tạo cán bộ y tế cho Đại đội 1 (c1), Đại đội 2 (c2) và Đại đội 82 (c4) của Huyện đội Hoài Nhơn. Trạm Phẫu thường xuyên phải cảnh giác và đối phó với địch vì khu vực núi Chóp Chài, Xuân Vinh liên tục bị địch ném bom ác liệt và rải hóa chất độc hại.

Ngày 24 và 25/02/1972, theo chỉ dẫn của một tên chiêu hồi, địch đã tổ chức 2 trận càn lên núi Xuân Vinh (xã Hoài Mỹ) - nơi có Trạm Phẫu. Chúng đốt cháy các lán trại thương bệnh binh, lật giở từng cửa hầm bí mật, từng lỗ thông gió, rồi ném lựu đạn vào những hầm chúng phát hiện có người đang ẩn nấp. Đê tiện hơn chúng bắt các chị em nữ ra khỏi hầm hãm hiếp rồi sát hại. Tổng số 17 người đã bị địch giết hại dã man trong đó 9 cán bộ y tế và nhân viên đang làm nhiệm vụ, 8 thương binh đang điều trị tại Trạm Phẫu. Sau hai trận càn, các căn hầm bí mật đã trở thành nơi an nghỉ của các y tá và thương binh, chỉ còn lại 6 nhân chứng do địch tưởng rằng đã chết. 

Sáu người này đã ẩn nấp nhiều ngày và phải uống sương trên lá, nước tiểu để sống. Hiện nay, 5 trong số 6 nhân chứng vẫn còn sống gồm các cô chú: Nguyễn Thị Thúy Vân, Nguyễn Thị Có ở xã Tam Quan Bắc; Nguyễn Thị Huê ở Quy Nhơn, Lê Thị Điệp ở Quảng Ngãi; Nguyễn Hồng Sinh, Tam Quan Nam).

Trạm Phẫu Huyện Đội Hoài Nhơn là địa chỉ đỏ, có giá trị về lịch sử, nhân văn. Mặc cho khó khăn gian khổ, điều kiện thiếu thốn và luôn phải đối đầu với bom đạn kẻ thù nhưng các đồng chí y sĩ, y tá và nhân viên của Trạm Phẫu vẫn kiên cường bám trụ để bảo vệ, điều trị thương binh cho các đơn vị chiến đấu. Họ là những chiến sĩ thầm lặng nhưng góp phần không nhỏ trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Đây còn là nơi chứng kiến sự hy sinh, những nỗi đau mất mát mà cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ ngụy để lại cho nhân dân Hoài Nhơn và nhiều địa phương khác trên cả nước.

          Với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ tổ quốc, năm 2013 – 2014, Huyện ủy, chính quyền và Nhân dân Hoài Nhơn ( nay là thị xã Hoài Nhơn) đã đầu tư xây dựng khu Di tích Trạm phẫu. Giai đoạn 1 gồm Hạng mục Nhà bia tưởng niệm và đường dẫn vào di tích, với giá trị gần 2 tỷ đồng. Các ban ngành, đoàn thể, đoàn viên thanh niên tiến hành mở đường, mang vác từng bao xi măng, viên đá trèo núi, băng rừng để xây dựng công trình.

Khuôn viên nhà bia tưởng niệm, được xây dựng bằng bê tông cốt thép, hình lục giác, có 6 cột bê tông hình tròn, mái tạo một tầng 6 mái, đỉnh nhọn, lợp ngói vảy, phía trên đắp hoa văn trang trí, bên trong nhà bia có đặt 1 lư hương và bia tưởng niệm. Bia tưởng niệm được ốp bằng chất liệu đá Granite màu đỏ có 3 mặt, mặt chính diện khắc dòng chữ: TỔ QUỐC GHI CÔNG, hai mặt bên tạo hình như cuốn sách mở,  mặt bên phải khắc danh sách liệt sĩ là những cán bộ của trạm và thương binh đã hy sinh nơi đây, mặt bên trái giới thiệu sơ lược về di tích;

Các hạng mục khác: đường dẫn vào di tích, sơ đồ chỉ dẫn, đặt biển số hiệu 05 hầm công sự đã bị phá hủy…

Ngày 26/01/2018, di tích Trạm Phẫu Huyện đội Hoài Nhơn được Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định trao quyết định công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Để thuận lợi cho du khách đến tham quan, dâng hoa, dâng hương tại khu Di tích, thị xã tiếp tục đầu tư khu di tích giai đoạn 2 gồm các hạng mục: tuyến đường lên Trạm Phẫu chiều dài 3km, các đường dẫn vào hầm và mở rộng khuôn viên nhà bia, giá trị gần 13 tỷ đồng

Tổng giá trị công trình gần 15 tỷ đồng (nguồn tỉnh, thị xã và xã)

Hàng năm vào ngày Mùng 8, Mùng 9 tháng Giêng, Thị đội Hoài Nhơn phối hợp UBND xã tiến hành Ngày giỗ theo nghi thức truyền thống tưởng nhớ anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống nơi đây.

Di tích Trạm Phẫu Huyện đội Hoài Nhơn là sự ghi công, nhớ ơn những đóng góp, hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sỹ, thương, bệnh binh; đã hy sinh tuổi thanh xuân của mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

 


Nguồn:hoaimy.hoainhon.binhdinh Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết