DI TÍCH NƠI CẬP BẾN TÀU KHÔNG SỐ BÃI BIỂN LỘ DIÊU
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

DI TÍCH NƠI CẬP BẾN TÀU KHÔNG SỐ BÃI BIỂN LỘ DIÊU

Biển xanh cát trắng nắng vàng
Ai ơi có nhớ cô nàng Lộ Diêu
Lộ Diêu một biển ba đèo
Gian nan đã vượt, khó nghèo đã qua…

Nơi cập bến tàu không số chi viện vũ khí vào khu V. Nơi đây, ngày 1 tháng 11 năm 1964, tàu không số mở bến khu V, cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân phối hợp đưa tàu cập bến, chuyển vũ khí an toàn, chi viện cho chiến trường khu V, góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Lộ Diêu đã đi vào lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển.

Vào ngày 20 tháng 6 năm 1964, Đội tàu 401 thực hiện nhiệm vụ đưa Tàu không số cấp bến Lộ Diêu được thành lập, thuyền trưởng là đồng chí Phạm Vạn, quê ở Quảng Nam, Chính trị viên Đặng Văn Thanh quê Khánh Hòa, và hai thuyền phó là Trần Phi Khanh và Trần Phấn quê ở Bình Định, 8 thuyền viên có đồng chí Lê Nốt quê ở Lộ Diêu, hiện đồng chí vẫn còn sống, đã 81 tuổi sống tại xóm 4 thôn Lộ Diêu.

Đội tàu được giao cho sứ mệnh quan trọng mở đường vào chiến trường quân khu V, thực hiện quyết tâm của Trung ương Đảng, tạo mọi điều kiện chi viện cho chiến trường miền Nam. Tàu đóng theo dạng tàu đánh cá miền Nam, dài khoảng 15m, rộng 4m. Lần xuất phát đầu tiên vào ngày 15 tháng 9 năm 1964 tại Bính Động, Hải Phòng, mang theo 30 tấn vũ khí và 6 tấn chất nổ. Vì đợt gió đông bắc thổi mạnh, tàu phải quay về và xuất phát lần thứ hai vào ngày 10 tháng 10 cùng năm, nhưng lần này gặp bão, đành trú tạm tại đảo Hải Nam (Trung Quốc).

Ngày 25/10, tàu lại nhổ neo tiếp tục hành trình. Khi ra đến hải phận quốc tế, Hạm đội 7 của Mỹ phát hiện tàu lạ nên cho 02 máy bay theo dõi. Do ngụy trang tốt thành tàu đánh cá nên chúng chưa phát hiện được đó là tàu của cách mạng, nhưng chúng vẫn nghi ngờ và đã điều 02 tàu hải quân ngụy ở Đà Nẵng bám theo để theo dõi.

Ngày 31/10, khi gần đến hải phận Bình Định thì đột nhiên trời kéo mây đen, nổi gió lớn, sóng đánh dữ dội và mưa rất to, 02 tàu địch vội vã quay vào bờ, không theo tàu ta nữa.Tranh thủ thời cơ, tàu 401 chuyển hướng vào Lộ Diêu, nhưng do sóng to gió lớn nên thuyền đã bị trôi dạt vào gần bờ thuộc vùng biển Tân Phụng (Phù Mỹ). Chỉ huy phải cho tàu chạy ngược về Lộ Diêu. Khi đến nơi thì đã hơn 4 giờ sáng ngày 01/11/1964.

Thực hiện đúng kế hoạch, ta cho gác 2 đầu đèo không để người vào ra, tổ chức bảo vệ tàu, huy động toàn bộ lực lượng đào bãi cát để chôn giấu vũ khí. Đến 8 giờ sáng đã chôn xong hơn 30 tấn vũ khí, nhưng do tàu 401 bị mắc cạn và hư hỏng nặng không thể khắc phục được, nên sau khi bốc dỡ xong vũ khí, Ban Chỉ huy tàu đã quyết định đốt hủy tàu để xóa dấu vết. Tàu cháy suốt 3 ngày đêm, hải thuyền của địch ở Tam Quan, Đề Gi đi tuần, máy bay địch quần lượn phát hiện tàu cháy, nhưng do ta loan tin là tàu đánh cá của dân bị sóng đánh dạt vào bờ bốc cháy, nên chúng tin là như vậy.

Những đêm tiếp theo, ta tiếp tục huy động thêm cán bộ, đảng viên của xã Hoài Mỹ và thôn Phú Thứ (xã Mỹ Đức - Phù Mỹ) để chuyển vũ khí lên kho tạm trên núi và từ đó lực lượng chuyên trách chuyển về kho bí mật an toàn. Số vũ khí này được trang bị cho các trung đoàn chủ lực Quân khu V (sau này là Sư đoàn 3, Quân khu V) và lực lượng vũ trang trong tỉnh, góp phần làm nên chiến thắng trong chiến dịch Đông - Xuân (1964 – 1965) với những trận đánh lớn như: An Lão (12/1964), Đèo Nhông - Dương Liễu, Đồi Mười, Gò Bồi (2/1965)... và mở ra vùng giải phóng liên hoàn, cắt đường số 1 từ Bồng Sơn đi Quảng Ngãi. Từ đó, ta tạo ra thế và lực mới bước vào giai đoạn chống chiến tranh cục bộ của Mỹ - Ngụy. 

Ghi nhận những giá trị nổi bật của di tích, Năm 2005, Di tích bãi biển Lộ Diêu được UBND tỉnh Bình Định công nhận xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh. Năm 2018-2019, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, ngành đã phối hợp với huyện Hoài Nhơn điều chỉnh mở rộng quy hoạch Di tích từ 6.825 m2 lên 15.000 m2, kinh phí đầu tư, tôn tạo 15,8 tỷ đồng, trong đó Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân hỗ trợ hơn 13,5 tỷ đồng. Đây là nơi ghi nhớ công ơn của những chiến sỹ "tàu không số 401" nói riêng và những anh hùng liệt sĩ, những con tàu không số trên đường Hồ Chí Minh trên biển; là địa điểm giáo dục truyền thống cách mạng đối với người dân thị xã Hoài Nhơn.


Tác giả: Huỳnh Văn Thành
Nguồn:hoaimy.hoainhon.binhdinh Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết