Để hoạt động của tổ hòa giải và hòa giải viên cơ sở hoạt động tốt trên địa bàn xã Hoài Mỹ
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Để hoạt động của tổ hòa giải và hòa giải viên cơ sở hoạt động tốt trên địa bàn xã Hoài Mỹ

 

Như chúng ta đã biết! Hoạt động hòa giải ở cơ sở của các tổ hòa giải, hòa giải viên thời gian qua đã góp phần tích cực vào việc giải quyết, hòa giải kịp thời các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp và vi phạm pháp luật trong cộng đồng dân cư.

Tính đến nay trên địa bàn xã Hoài Mỹ có 11 tổ hòa giải được thành lập tại thôn, có 101 hòa giải viên. Trong đó Nam 82, nữ 17. Số lượng thành viên của mỗi tổ hòa giải trung bình từ 09 -11 hòa giải viên/tổ. Các hòa giải viên được bầu đều là những người có phẩm chất đạo đức tốt, sống gương mẫu, có uy tín, có khả năng vận động, thuyết phục nhân dân chấp hành pháp luật, có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình tham gia công tác hòa giải ở cơ sở, được bầu chọn công khai, dân chủ trong cộng đồng được UBMTTQVN xã hiệp thương nhân sự và có quyết định công nhận của Chủ tịch UBND xã.

Sau 05 năm tổ chức triển khai thực hiện Luật hòa giải ở cơ sở, từ năm 2014 đến năm 2018, tổ hòa giải ở cơ sở trên địa bàn xã đã tiếp nhận có 56 vụ, việc, trong đó đã tiến hành hòa giải 45 vụ, việc; hòa giải thành 40 vụ, việc (đạt tỷ lệ 88,89%); hòa giải không thành 05 vụ việc, chiếm 11,11%; 11 việc thuộc cấp xã thụ lý giải quyết. Các vụ, việc hòa giải chủ yếu thuộc các lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình và đất đai, các mâu thuẫn phát sinh trong sinh hoạt tại cộng đồng dân cư. Nhìn chung, hoạt động hòa giải ở cơ sở đã đạt được những kết quả quan trọng, tỷ lệ hòa giải thành cao. Có được kết quả này, trước hết là nhờ sự đóng góp của đội ngũ hòa giải viên của các thôn đã không quản ngại khó khăn, vất vả, tận tâm, nhiệt tình trong việc hàn gắn những rạn nứt về tình cảm, vun đắp, thắp sáng tình yêu thương, sự hòa thuận trong từng gia đình, làng xóm, cộng đồng dân cư. Chính vì vậy, công tác hòa giải ở cơ sở đã góp phần phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Số lượng lớn các vụ, việc không phải đưa ra giải quyết tại cơ quan nhà nước đã tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền bạc của nhân dân, giảm tải công việc cho các ngành cấp xã và giảm bớt gánh nặng chi tiêu cho ngân sách nhà nước. Bên cạnh giá trị vật chất thì giá trị tinh thần mà công tác hòa giải mang lại là vô giá, đó chính là niềm vui, hạnh phúc của mọi người, mọi nhà, là tình cảm gia đình, xóm giềng gần gũi và thiêng liêng.

Rõ ràng, hoạt động hòa giải của tổ hòa giải, hòa giải viên ở các thôn đã có ý nghĩa quan trọng trong đời sống hằng ngày của người dân. Đây là một hoạt động tự nguyện, không hưởng lương, không có phụ cấp mà hòa giải viên phải giải quyết công việc bằng chính trách nhiệm và sự nhiệt tình của mình với công tác hòa giải ở cơ sở. Thực tế, trong thời gian qua, mặc dù đã có chủ trương, các văn bản đã quy định, hướng dẫn về kinh phí và các điều kiện bảo đảm hoạt động của tổ hòa giải và hòa giải viên, nhưng nhìn chung ở các địa phương hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế trong việc hỗ trợ kinh phí, vật chất, bảo đảm các điều kiện cần thiết cho hoạt động của tổ hòa giải và hòa giải ở cơ sở. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động hòa giải nói chung và đối với hòa giải viên nói riêng, đặc biệt trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay.

1. Chế độ, chính sách, điều kiện bảo đảm hoạt động của tổ hòa giải, hòa giải viên ở cơ sở

a) Về kinh phí hỗ trợ cho hoạt động hòa giải ở cơ sở
Điều 6 Luật hòa giải ở cơ sở đã quy định về việc hỗ trợ kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở: ''Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở để biên soạn, phát hành tài liệu; tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng về hòa giải ở cơ sở; sơ kết, tổng kết, khen thưởng đối với công tác hòa giải ở cơ sở; chi thù lao cho hòa giải viên theo vụ, việc và hỗ trợ các chi phí cần thiết khác cho hoạt động hòa giải ở cơ sở.”

Với tính chất là hoạt động tự nguyện, tự quản của cộng đồng dân cư, nếu Nhà nước bao cấp hoàn toàn cho hoạt động hòa giải ở cơ sở thì sẽ làm mất đi tính xã hội hóa, tự nguyện, tự quản, đi ngược lại với bản chất của hoạt động này. Do đó, Luật hòa giải ở cơ sở quy định: Nhà nước có chính sách tạo điều kiện, hỗ trợ cho hoạt động hòa giải ở cơ sở (Điều 5); Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở để biên soạn, phát hành tài liệu; tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng về hòa giải ở cơ sở; Đối với những địa phương chưa tự cân đối được ngân sách thì ngân sách trung ương sẽ chi bổ sung cho các địa phương để hỗ trợ kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở (Điều 6). Các nội dung hỗ trợ kinh phí cho tổ hòa giải và hòa giải viên gồm: chi hỗ trợ để mua văn phòng phẩm; mua, sao chụp tài liệu phục vụ hoạt động của tổ hòa giải; tổ chức các cuộc họp, sơ kết, tổng kết hoạt động của tổ hòa giải; chi thù lao cho hòa giải viên theo vụ, việc; chi hỗ trợ cho hòa giải viên khi gặp tai nạn hoặc rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trong khi thực hiện hoạt động hòa giải (Điều 13 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hòa giải ở cơ sở).

Liên ngành Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp đã phối hợp ban hành Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT/BTC-BTP ngày 30/7/2014 quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở, trong đó có quy định mức chi cho công tác hòa giải ở cơ sở như sau:

- Chi thù lao cho hòa giải viên (đối với các hòa giải viên trực tiếp tham gia vụ, việc hòa giải): Mức chi tối đa 200.000 đồng/vụ, việc/tổ hòa giải.

- Hỗ trợ chi phí mai táng cho người tổ chức mai táng hòa giải viên gặp tai nạn hoặc rủi ro bị thiệt hại về tính mạng trong khi thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở: Mức chi bằng 05 tháng lương cơ sở.

- Chi hỗ trợ hoạt động của tổ hòa giải (chi mua văn phòng phẩm, sao chụp tài liệu, nước uống phục vụ các cuộc họp của tổ hòa giải): Mức chi tối đa 100.000 đồng/tổ hòa giải/tháng.

- Chi bồi dưỡng thành viên Ban tổ chức bầu hòa giải viên tham gia họp chuẩn bị cho việc bầu hòa giải viên: Mức chi tối đa là 70.000 đồng/người/buổi.

- Chi tiền nước uống cho người tham dự cuộc họp bầu hòa giải viên: Mức chi tối đa 10.000 đồng/người/buổi.

Thực hiện Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 30/7/2014 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở, đến nay, HĐND tỉnh Bình Định đã ban hành Nghị quyết số: 39/2016; UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định số 02/2016 quy định về kinh phí hỗ trợ hoạt động của tổ hòa giải và mức chi thù lao theo vụ, việc cho hòa giải viên trên địa bàn tỉnh.

Hầu hết các vụ việc hòa giải trên UBND xã Hoài Mỹ đã bố trí kinh phí chi thù lao cho hòa giải viên, kinh phí phục vụ hoạt động bầu hòa giải viên và hỗ trợ cho tổ hòa giải hoạt động; kinh phí tổ chức tập huấn, biên soạn và phát hành tài liệu cho tổ hòa giải, hòa giải viên, nhìn chung đáp ứng yêu cầu của công tác hòa giải ở cơ sở. Tuy nhiên, việc hỗ trợ kinh phí cho hoạt động hòa giải còn gặp nhiều khó khăn. Một số Tổ hòa giải không tuân thủ việc xác lập các hồ sơ, thủ tục chi, ít quan tâm tới hoạt động này, việc tự cân đối được ngân sách được một phần mức chi theo quy định của ngân sách xã chưa thực hiện chi hỗ trợ cho tổ hòa giải cũng như chi thù lao hòa giải.

b) Về bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên

So với thời kỳ trước khi có Luật hòa giải ở cơ sở, việc đầu tư kinh phí tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật và nghiệp vụ hòa giải cho đội ngũ hòa giải viên hiện nay được UBND xã quan tâm thực hiện thường xuyên hơn. Để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở thì việc bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên được đặc biệt quan tâm, nhất là những năm gần đây.

c) Về cung cấp tài liệu nghiệp vụ cho hòa giải viên

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở, việc bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải và cung cấp tài liệu cho các hòa giải viên luôn được cơ quan tư pháp các cấp quan tâm, chú trọng.

Để chuẩn hóa chương trình, tài liệu làm cơ sở cho địa phương vận dụng tổ chức hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên, Bộ Tư pháp đã ban hành Chương trình khung bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên (Quyết định số 4077/QĐ-BTP ngày 31/12/2014); ban hành Bộ tài liệu nguồn bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên (Quyết định số 1753/QĐ-BTP ngày 22/8/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp) và đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp để Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sử dụng làm tài liệu tổ chức hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở và cung cấp cho hòa giải viên tại địa phương. Bộ Tư pháp cũng đã biên soạn nhiều tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ dưới dang hỏi - đáp, sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ cung cấp cho các địa phương.

Ở địa phương, việc cung cấp tài liệu cho hòa giải viên cũng được các cơ quan tư pháp cấp tỉnh, cấp huyện chú trọng và tiến hành hàng năm. Theo thực tế các tỏ hòa giải ở thôn điều có tập cẩm nang, tin tư pháp tỉnh, đây là nhưng tài liệu cho các tổ hòa giải tìm hiểu, nghiên cứu để áp dụng vào thực tiễn

d) Về thi đua khen thưởng

Trong hoạt động hòa giải ở cơ sở, công tác thi đua khen thưởng đã được quan tâm thực hiện, tuy nhiên việc khen thưởng đối với đội ngũ hòa giải viên vẫn chưa được ghi nhận đúng mức, chưa có chế độ đãi ngộ, khích lệ nào dành cho họ, thậm chí việc khen thưởng cũng hạn chế.

2. Đánh giá chung về các điều kiện bảo đảm hoạt động của tổ hòa giải và hòa giải viên

Nhìn chung, hoạt động hòa giải ở cơ sở thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực, chất lượng và hiệu quả hoạt động hòa giải ngày một nâng lên, trong đó, có sự quan tâm, động viên khích lệ, hỗ trợ về vật chất đối với hòa giải viên. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế thị trường, đời sống của người dân vẫn còn nhiều khó khăn, giá cả gia tăng, việc thực hiện các quy định về chế độ đãi ngộ cho hòa giải viên ở cơ sở còn hạn chế, chưa động viên, khích lệ được phong trào hòa giải nói chung cũng như sự tham gia của hòa giải viên nói riêng.

Khi hòa giải một vụ việc, nhất là các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp về quan hệ hôn nhân - gia đình hay tranh chấp đất đai... hòa giải viên phải mất nhiều thời gian, công sức cả về kinh phí để hòa giải các bên, giúp các bên đạt được thỏa thuận hòa giải thành. Đặc biệt, đối với những vụ việc phức tạp, nan giải như trường hợp tranh chấp đất đai thì ngoài việc cần nắm vững kiến thức pháp luật chung, pháp luật về đất đai, kinh nghiệm hòa giải, đòi hòi hòa giải viên phải tự mình tìm hiểu, xác minh các thông tin ở địa phương, tổ chức liên quan, người có uy tín, những người biết về nguồn gốc sự việc mâu thuẫn... để phân tích, giải thích, thuyết phục các bên thương lượng, tự giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp cho hợp tình, hợp lý, đạt kết quả. Trong những trường hợp như thế, việc hòa giải không chỉ tiến hành một, hai lần mà có thể nhiều lần, có vụ việc phải kéo dài khá lâu mới đạt được kết quả hòa giải thành. Từ đó cho thấy, để vụ việc được hòa giải thành, các hòa giải viên đã phải bỏ ra rất nhiều công sức. Tuy nhiên, khi vụ việc được hòa giải thành thì không có giá trị tinh thần, tài chính nào có thể đo đếm được. Kết quả mang lại là gia đình êm ấm, trật tự an ninh thôn, xóm được ổn định, tiết kiệm thời gian, tiền bạc của người dân, nhà nước.

Một trong những khó khăn, vướng mắc nhất hiện nay đối với công tác hòa giải ở cơ sở là chế độ tài chính và các điều kiện vật chất khác hỗ trợ, bảo đảm cho hoạt động của tổ hòa giải và hòa giải viên.

Việc hỗ trợ, trang bị tài liệu pháp luật để hòa giải viên tự nghiên cứu, tìm hiểu nâng cao năng lực hoạt động cũng như việc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng cho đội ngũ hòa giải viên còn rất hạn chế. Tài liệu pháp luật cũng như các tài liệu hướng dẫn kỹ năng hòa giải ở cơ sở cung cấp cho tổ hòa giải, hòa giải viên rất thiếu, chưa cập nhật và thiếu tính hệ thống. Hầu hết hòa giải viên chưa được bồi dưỡng đầy đủ, toàn diện nội dung kiến thức theo Chương trình khung do Bộ Tư pháp ban hành. Hình thức tập huấn, bồi dưỡng chậm được đổi mới, thiếu linh hoạt, đa dạng (chủ yếu bồi dưỡng trực tiếp, chưa thử nghiệm nhiều hình thức ứng dụng công nghệ thông tin, phát huy vai trò của của phương tiện truyền thông…); phương pháp bồi dưỡng chưa phù hợp với hòa giải viên thường là người cao tuổi, nên hiệu quả thấp.

Việc đầu tư kinh phí hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở nói chung và thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ hòa giải viên hiện nay chưa đồng đều, thiếu thống nhất, thiếu cơ chế đầu tư tổng thể, toàn diện từ Trung ương đến địa phương; không huy động được các tổ chức, cá nhân đóng góp, hỗ trợ tài chính, cơ sở vật chất cho công tác hòa giải ở cơ sở. Bên cạnh đó trong khi số lượng tổ hòa giải không nhiều, lực lượng hòa giải viên lại mỏng dẫn đến hoạt động của các tổ hòa giải gặp nhiều khó khăn..

Từ thực tiễn công tác hòa giải ở cơ sở thời gian qua và kết quả thống kê số liệu 05 năm thực hiện Luật hòa giải ở cơ sở tại địa phương đều cho thấy rằng, kinh phí và các điều kiện vật chất khác để bảo đảm cho hoạt động của tổ hòa giải và hòa giải viên còn rất hạn chế, chưa thực sự cổ vũ, động viên đối với những người làm công tác hòa giải ở cơ sở hiện nay.

3. Kiến nghị, đề xuất

Thứ nhất, cần tiếp tục tăng cường sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền, sự phối hợp tốt của UBMTTQVN xã; cần nhận thức sâu sắc và toàn diện về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở, từ đó xác định được phương hướng, nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở. Thực tế đã cho thấy, ở Tổ hòa giải, ở thôn nào có nhận thức đúng đắn, quan tâm chỉ đạo, đầu tư đúng mức cho công tác hòa giải ở cơ sở thì ở đó, công tác này đều đạt hiệu quả cao và đồng thời với đó là hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được nâng lên.

Thứ hai, việc quan tâm, tạo điều kiện về cơ sở vật chất và kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở là việc làm cần thiết trong thời gian tới đối với các ngành quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở. Trước hết, cần đảm bảo thực hiện chi đúng, đủ kinh phí hỗ trợ thù lao vụ việc hòa giải. Do đặc thù là ngân sách xã còn rất nhiều khó khăn, chủ yếu tập trung cho các chương trình trọng điểm, mục tiêu quốc gia... nên nhiều lúc không bố trí được kinh phí chi thù lao vụ việc hòa giải theo Thông tư liên tịch số 100/TTLT/BTC-BTP hoặc theo nghị quyết, văn bản của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh. Đó là chưa tính đến có những vụ việc phức tạp, hòa giải viên phải nhiều lần gặp gỡ, trao đổi với các bên. Từ đó có thể thấy rõ công sức hòa giải viên bỏ ra để có kết quả hòa giải thành tại những thôn này không phải là ít. Và đối với những vụ việc như vậy thì dù được chi tối đa 200.000 đồng/vụ việc như quy định hiện tại thì cũng không tương xứng được với tinh thần trách nhiệm, công sức và sự nhiệt tình mà các hòa giải viên đã bỏ ra. Vậy nên, để phát huy tác dụng động viên, khuyến khích hòa giải viên tham gia công tác hòa giải ở cơ sở đạt hiệu quả và chất lượng, cần nghiêm túc thực hiện đúng, đủ quy định pháp luật về kinh phí hỗ trợ chi thù lao vụ việc, hỗ trợ hoạt động của tổ hòa giải...

Thứ ba, các cơ quan chức năng cần tạo điều kiện hơn nữa, nhất là về kinh phí để địa phương có thể tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ hòa giải cho hòa giải viên; tổ chức thi hòa giải viên giỏi; phổ biến kinh nghiệp hòa giải; cung cấp tài liệu, văn bản pháp luật cần thiết phục vụ công tác hòa giải; tổ chức sơ kết, tổng kết, khen thưởng, động viên, khuyến khích hòa giải viên có thành tích xuất sác trong công tác hòa giải ở cơ sở nhằm tạo điều kiện để các địa phương nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở

Thứ tư, Đề nghị UBMTTQVN xã và các thành viên, cũng như đội ngũ Tuyên truyền viên pháp luật, tăng cường công tác phối hợp, hướng dẫn, phân tích trong hoạt động hòa giải để các bên thoả mãn, đồng thuận; tuyên truyền, vận động xã hội hóa để phục vụ công tác hòa giải cơ sở tại địa phương ngày càng tốt hơn.


Tác giả: Lê Xuân Minh
Nguồn:hoaimy.hoainhon.binhdinh Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết