Quy định về quản lý, sử dụng pháo trong dịp Tết Nguyên đán
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quy định về quản lý, sử dụng pháo trong dịp Tết Nguyên đán

Trước đây, khi mỗi dịp Tết đến, Xuân về các gia đình ở Việt Nam đều đốt pháp để chào đón năm mới, tập tục này mang đến sự hân hoan, vui vẻ, phấn khởi trong những ngày lễ Tết. Tuy nhiên, bên cạnh những niềm vui thì sử dụng pháo không an toàn gây ra rất nhiều ảnh hưởng về sức khỏe thậm chí là tính mạng con người cũng như ảnh hưởng không tốt đến môi trường. Do đó mà từ năm 1994, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị số 406/CT-TTg về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo, chỉ có những đơn vị được cấp phép mới được quản lý, sử dụng các loại pháo.

Mặc dù vậy, trong thời gian qua, tình trạng nhập lậu, sử dụng pháo hoa, pháo nổ không rõ nguồn gốc, xuất sứ vẫn tiếp diễn, đâu đó vẫn còn những tiếng nổ, những luồng sáng gây mất trật tự xã hội. Tết Quý Mão đang đến gần, hiện tượng đốt pháo tại địa phương đang có chiều hướng gia tăng. Việc đốt pháo diễn ra ở nhiều nơi, bất kỳ địa điểm nào và thường vào buổi tối. Mặc dù đã tuyên truyền rất nhiều nhưng do không hiểu được những tác hại mà pháo nổ gây ra nên nhiều thanh niên, gia đình vẫn cố chấp sử dụng.

Căn cứ theo Điều 5 Nghị định 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020, của Thủ tướng chính phủ quy định về quản lý, sử dụng pháo có các hành vi liên quan đến việc quản lý sử dụng pháo bị nghiêm cấm, đó là:

-  Cấm nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ; trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định tại Nghị định này.

- Cấm nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo hoa, thuốc pháo.

- Cấm mang pháo, thuốc pháo trái phép vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ.

- Cấm lợi dụng, lạm dụng việc sử dụng pháo để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

- Cấm trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố pháo hoa nổ hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; vận chuyển, bảo quản, tiêu hủy pháo không bảo đảm an toàn hoặc làm ảnh hưởng đến môi trường.

- Cấm chiếm đoạt, mua, bán, trao đổi, tặng, cho, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, làm giả, sửa chữa, tẩy xóa các loại giấy phép về pháo.

- Cấm giao pháo hoa nổ, thuốc pháo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện theo quy định.

- Cấm hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện cách thức chế tạo, sản xuất, sử dụng trái phép pháo dưới mọi hình thức.

- Cấm cố ý cung cấp thông tin sai lệch về quản lý, bảo quản pháo, thuốc pháo; không báo cáo hoặc báo cáo không kịp thời, che giấu hoặc làm sai lệch thông tin về việc mất, thất thoát, tai nạn, sự cố về pháo, thuốc pháo.

Hiện nay, pháp luật có những quy định rất cụ thể về xử phạt đối với việc tàng trữ, sử dụng pháo bao gồm cả xử phạt hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể:

Thứ nhất: Xử phạt hành chính với hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ, thuốc pháo

Tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP có quy định về mức xử phạt liên quan đến hành vi mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại pháo nổ:

- Tại Điểm iKhoản 3Điều 11 quy định: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng và tịch thu tang vật đối với hành vi sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép.

- Tại Điểm e Khoản 4 Điều 11 quy định: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng và tịch thu tang vật, phương tiện đối với một trong những hành vi: Vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo hoặc nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất pháo;

Thứ hai: Truy cứu trách nhiệm hình sự với hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ, thuốc pháo

Căn cứ theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015 và Thông tư liên tịch số 06/2008/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC thì những hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ, thuốc pháo có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với những tội danh sau:

- Tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 245 Bộ luật Hình sự

- Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ theo Điều 232 Bộ luật Hình sự

- Tội buôn lậu theo Điều 153 Bộ luật Hình sự

- Tội buôn bán hàng cấm theo Điều 155 Bộ luật Hình sự

Như vậy, việc tàng trữ, vận chuyển, sản xuất, sử dụng pháo nổ không chỉ gây tác hại xấu đến sức khỏe mà còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Mọi người dân hãy nghiêm túc thực hiện các quy định về phòng chống các loại pháo nổ là góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội, vì bình yên, hạnh phúc của nhân dân, xây dựng đời sống văn hóa, mừng Đảng, mừng xuân, đón năm mới tươi vui, an toàn và tiết kiệm.


Tác giả: Nguyễn Thị Mỹ Điệu
Nguồn:hoaimy.hoainhon.binhdinh Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết